a
THƯ NGỎ
Cảm ơn Chúa cho BTTG số ra mắt đã được phát hành vào tháng 4, 2009. Ban biên tập hy vọng rằng con cái Chúa xa gần có thể biết được ít nhiều tin tức truyền giáo của Liên Hữu Mennonite Việt Nam Bắc Mỹ qua Bản Tin trên.
Trong tinh thần phổ biến tin tức để con dân Chúa có thể cùng dâng lời cảm tạ Chúa, cùng cầu nguyện và góp phần tích cực vào công tác truyền giáo, Ban Biên Tập cậy ơn Chúa phát hành tiếp Bản Tin số 0002.
Ban Biên Tập ước mong các tôi tớ và con cái Chúa tích cực ủng hộ Bản Tin bằng cách đọc và phổ biến bản tin cho bạn hữu, cùng như đóng góp ý kiến xây dựng, và nhất là viết bài và gửi về cho ban Biên Tập để có thể đăng trong các số tới.
GIÁM MỤC TIN LÀNH
Ngày 26 tháng 4 vừa qua, tại Hội thánh Way Thru Christ Community Fellowship, Chester, PA, USA, Giáo hạt Lancaster Mennonite đã tổ chức một buổi lễ long trọng để phong chức Giám mục cho một người Việt nam, Mục-sư Nguyễn Thanh Tuyền.
Việc phong chức trên là một biến cố rất đặc biệt trong cộng đồng các Hội thánh Tin lành người Việt. Thật vậy, từ trước đến nay, người ta chỉ nghe đến các chức vụ giám mục, tổng giám mục, hồng y, vv...trong giáo hội Công giáo mà thôi. Trong giáo hội Tin lành, nhất là trong vòng người Việt, chúng ta chỉ thấy có hai chức vụ là mục sư và truyền đạo. Tuy nhiên, việc giới hạn trên chỉ là truyền thống của giáo hội C&MA mà thôi. Một số giáo hội Tin lành khác, trong đó có giáo hội Mennonite, có phong chức Giám mục cho một số vị. Điều khác biệt giữa giáo hội Công giáo và Tin lành trong việc phong chức Giám mục nói riêng và các chức vụ khác nói chung là trong các Giáo hội Tin lành không có sự phân chia giai cấp giáo phẩm và giáo dân. Trong Tin lành, tất cả con dân Chúa đều bình đẳng. Tất cả đều là thầy tế lễ của Chúa. Việc phong chức Mục sư, Giám mục, vv... chỉ là một cách để thừa nhận ơn tứ và sự kêu gọi đặc biệt của Chúa dành cho một người nào đó để làm công tác chăn bầy của Chúa.
Việc phong chức Giám mục cho Mục sư Nguyễn Thanh Tuyền là một niềm vui mừng chung cho các con cái Chúa trong các Hội thánh Mennonite người Việt. Chúa đã ban cho ông bà Nguyễn Thanh Tuyền nhiều ơn tứ, cùng với đức tin và tấm lòng yêu mến Chúa rất đáng quý. Ông bà là những giáo sư khoa học dạy trong trường đại học. Trước đây ông bà là những chấp sự trong hội thánh. Nhưng sau khi vị mục sư quản nhiệm phải hưu hạ vì lớn tuổi, và không có người thay thế trong nhiều năm, thì hội thánh đã mời ông bà đảm nhận chức vụ quản nhiệm hội thánh. Sau khi cầu nguyện, ông bà đã nhận lãnh chức vụ quản nhiệm lâm thời trong vòng một năm để tiếp tục tìm ý Chúa. Chúa đã tỏ ý Ngài cho ông bà và Giáo hội đã phong chức Mục sư cho ông vào năm 2008.
Trong các năm qua, Chúa đã ban phước rất dồi dào trên chức vụ ông bà Mục sư Tuyền. Ngài đã phấn hưng hội thánh. Con dân Chúa hăng hái yêu mến Chúa và phục vụ Ngài. Chúa đã dùng hội thánh để cứu nhiều người thuộc mọi sắc dân, mọi tầng lớp, kể cả người da đen, da trắng, người nói tiếng Việt, tiếng Anh. tiếng Tây Ban Nha, người vô gia cư, nghiện ngập, cũng như người làm ăn bình thường, các sinh viên, học sinh, bác sĩ, kỹ sư, vv... Trong năm qua Chúa cho có khoản 180 người trở lại với Chúa. Hội thánh cũng có những đoàn truyền giáo đi đến những thành phố khác để làm chứng và mở ra những hội thánh mới. Chúa cũng bày tỏ ơn quyền của Ngài trên những người tin Chúa. Nhiều đời sống đã được thay đổi bởi Lời Chúa và quyền năng của Ngài. Có những người được cứu thoát khỏi xì ke, ma túy, bệnh tất, vv... Các thanh thiếu niên cũng được gây dựng tốt. Nhiều em học sinh trong hội thánh đã được giúp đỡ để có thể học hành tốt và được nhận vào các ngành nghề chuyên môn tại các trường đại học với hoài bảo phục vụ Chúa qua ngành nghề của mình trong tương lai. Thật là một hội thánh được phát triển toàn diện.
Với chức vụ được giáo hạt giao phó, Giám mục Nguyễn Thanh Tuyền sẽ vửa quản nhiệm Hội thánh Việt nam, và cũng vừa chăm sóc các Hội thánh Mennonite của các nhóm người gốc Á Châu trong Giáo hạt. Trong Đại Hội Liên Hữu Mennonite Việt nam Bắc Mỹ vừa qua tại Edmonton, Alberta, Canada, Mục sư Tuyền cũng đã được Hội đồng tín nhiệm và cử vào chức vụ Hội Trưởng. Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn dư dật trên ông bà trong những chức vụ thiêng liêng mà Ngài đã giao phó cho ông bà.
HAI KI-LÔ-GRAM BÙA
CŨNG CHƯA ĐỦ MẠNH
Anh Nhem Ho ở tại Kracheh, Cambodia là nạn nhân của bùa ngãi. Cha anh đã bị kẻ thù ém chú mà qua đời. Anh giận lắm và quyết lòng trả thù cho cha. Anh dời gia đình mình đến ở cùng làng với kẻ thù với hy vọng sẽ có nhiều cơ hội để ra tay phục hận. Nào ngờ, kẻ thù đã ra tay trước. Vợ anh bỗng dưng bị bệnh. Cô phải vào nhà thương, đến gặp bác sĩ để nhờ chữa trị. Nhưng các bác sĩ và nhà thương đã thử nghiệm đủ cách mà họ vẫn không tìm ra cô bị bệnh gì để mà trị liệu. Anh chị cũng tìm đến các thầy pháp để nhờ gỡ các ếm chú của kè thù. Các thầy pháp đã cúng tế, làm phù phép và cho anh chị đeo bùa để hộ mạng. Trọng lượng tổng cộng của các dây bùa anh chị đeo đến hơn 2 kg. Tuy vậy, bệnh tình của chị vẫn không thuyên giảm, nhưng mỗi ngày một nặng hơn.
Trong lúc nguy nan, may thay anh chị được nghe hàng xóm mách rằng Chúa Jêsus có quyền năng giải được các ếm chú, bùa ngãi. Anh chị đã đến gặp các thầy truyền đạo Tin lành để được cắt nghĩa về Chúa. Anh chị đã mở lòng tiếp nhận Chúa, và cởi bỏ tất các bùa ngãi trong mình. Từ đó sức khỏe của chị mỗi ngày một khả quan hơn, và chẳng bao lâu chị khỏi hẵn bệnh.
Thấy rõ quyền năng của Chúa, anh chị hết lòng tin cậy Ngài. Anh Nhem Ho trở thành nhóm trưởng một điểm nhóm. Anh cũng là người tích cực phụ giúp thầy Dy trong công tác thăm viếng, chăm sóc các tín hữu.
NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC CHIA LY
“Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly” là một chương trình của đài truyền hình VTV4 tại Việt nam để giúp các khán giả tìm kiếm thân nhân đã thất lạc. Trong một kỳ phát hình trong năm 2008, có hai phụ nữ họ Phạm đã đứng tuổi lên tiếng tìm kiếm một người em trai đã bị thất lạc trên 40 năm rồi. Trong nước mắt, hai chị kể rằng: vào năm 1968, khi phi cơ Mỹ thả bom xuống Miền Bắc thì chẳng may hầm trú ẩn của gia đình họ tại Đồ sơn đã bị trúng bom. Người mẹ yêu quý của họ đã qua đời vì miễn bom, để lại 5 người con, gồm bốn chị em gái và một cậu con trai út tên là Phạm Văn Toàn. Đây là trận ném bom đầu tiên và đã gây ra thịệt hại cho thường dân, nên các nhà báo đã đặc biệt lưu ý đến đám tang của bà mẹ. Họ đã đến chụp hình đám tang. Tấm hình và bài báo nay vẫn còn lưu lại trong Viện Bảo Tàng của thành phố Hải phòng. Hai chị em đã dùng những tấm hình này khi lên đài truyền hình để tìm em.
Lúc gia đình bị nạn thì người cha đang đi công tác ở xa. Khi về và nhìn thấy cảnh gia đình quá đơn chiết và nghèo khó, ông đã bằng lòng cho người con trai duy nhất của mình làm con nuôi. Việc cho con này xảy ra qua trung gian của một người nữ cán bô, là bạn của cả hai gia đình – gia đình cho con và gia đình nhận con. Thời gian trôi qua, người cha qua đời. Khổ nổi là trước khi qua đời, vì muốn bảo vệ hạnh phúc cho gia đình cha mẹ nuôi, người cha đã không tiết lộ danh tánh, tông tich của cha mẹ nuôi cho các con còn lại trong gia đình. Cho nên, khi các chị khôn lớn, họ đã bao phen tìm em, nhưng không kết quả gì.
Khi nhắn tin trên đài, hai người chị đã không nêu được danh tánh cha mẹ nuôi của em mình, nhưng họ đã nêu được một số chỉ tiết rất quan trọng. Họ cho biết tên của người bạn trung gian của gia đình ngày xưa, và họ còn cho biết thêm là bà ấy là người bị cút một cánh tay. Thật lạ lùng, sau khi đài phát hình xong câu chuyện tìm em của hai chị họ Phạm, thì có một số khán giả đã gọi cho đài và cho biết rằng người nữ cán bộ cụt tay nay còn sống. Thế là phóng viên của đài đã tức tốc tìm đến bà, và qua bà họ biết được danh tánh và địa chỉ của cha mẹ nuôi và của cậu của con trai út đã thất lạc ngày xưa.
Sau khi tra xét cẩn thận, phóng viên của đài đã gặp được người con trai thất lạc nay đã 47 tuổi. Tên ông không còn là Phạm Văn Toàn nữa mà là Huỳnh Trọng Nghĩa, là tên đã được đặt cho theo tên họ của gia đình cha mẹ nuôi. Người phóng viên cũng khám phá ra những điều lạ lùng về cuộc đời người con trai thất lạc này. Ông Nghĩa kể cho phóng viên hay rằng cha mẹ nuôi không có con nào khác ông. Cha mẹ hết mục yêu thương và nuông chìu ông. Nhưng với tình thương ấy, vào tuổi thanh thiếu niên ông Nghĩa lại đâm ra hư hỏng. Ông đã trở nên ngỗ nghịch, rồi gia nhập băng đảng. Từ đó ông sa vào tất cả các thói hư tật xầu. Nào là cờ bạc, rượu chè, trai gái, trộm cắp, đánh nhau, vv... Tệ hơn nữa, ông đã bị nghiện ma túy. Cho nên bao nhiêu tiền của ông có do làm việc hay do cha mẹ cho ông đều tiêu sạch. Cha mẹ nuôi tìm hết cách để hướng dẫn ông ra khỏi con đường hư hỏng, nhưng chẳng có kết quả gì. Quá thất vọng, ông bố nuôi phải đem ông Nghĩa ra chính quyền địa phương để làm giấy xác nhận rõ lai lịch, gốc gác của người con nuôi ấy và tuyên bố từ con.
Biện pháp trên chỉ giúp ông Nghĩa biết rõ lai lịch của mình mà thôi, chứ chảng thay đổi được gì. May thay, vào lúc này thì ông Nghĩa, được một người trong họ hàng cha mẹ nuôi, là người mới tin theo Chúa, hướng dẫn cho ông biết về niềm tin Cơ đốc. Với sự giúp đỡ của người bà con này, ông Nghĩa đã đặt niềm tin vào Chúa. Lạ thay, sau khi tin Chúa, cuộc đời ông Nghĩa đã thay đổi hẵn. Ông đã bỏ hết các thói hư tật xầu. Ông không còn nghiện ngập nữa. Ngược lại ông trở nên một tín hữu sốt sắng phục vụ Chúa, và chia sẻ niềm tin mới của mình cho người khác. Cuối cùng ông trở nên một mục sư trong giáo hội Mennonite.
Khi chúng tôi gặp Mục sư Nghĩa tại Hải phòng vào đầu tháng 3, 2009, thì MS Nghĩa đang chờ ngày vào Sài gòn để gặp hai người chị và những người bà con ruột thịt của mình tại đài truyền hình. Mục sư Nghĩa nóng lòng gặp lại người thân để nối lại tình cảm ruột thịt mà bao năm đã bị chia cắt. Ông cũng nóng lòng muốn chia sẻ cho người thân của mình biết về người Cha Thiên Thượng của mình nữa. Người cha ruột đã có công sinh ra ông, người cha nuôi có công dưỡng dục ông. Còn người Cha Thiên Thượng thì đã tạo thành ông trong lòng mẹ và đã cứu vớt ông khỏi tội lỗi, khỏi hư hỏng, nghiện ngập. Mục sư Nghĩa mong gia đình ông không chỉ đoàn tụ với ông mà còn đoàn tụ với Cha Thiêng thượng nữa. Ông mong mọi người đều kinh nghiệm “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly” vừa ở dưới đất và cả trên trời.
LỚP HUẤN LUYỆN TẠI HẢI PHÒNG
Theo lời mời của Mục sư Huỳnh Trọng Nghĩa, giáo hạt trưởng giáo hạt Mennonite Miền Bắc, chúng tôi đẽ đến Hải phòng Chúa nhật, ngày 1 tháng 3 vừa qua. Ngày hôm sau thì chúng tôi bắt đầu dạy môn học: “Người chăn bầy của Đức Chúa Trời.” Đây là môn học nhằm giúp đỡ các tôi tớ Chúa trong vai trò chăn bầy biết cách chăm sóc chính mình và bầy chiên mà Chúa giao phó.
Lớp học diễn ra tại sảnh đường của một khách sạn khá lịch sự tại Hải phòng. Có gần 40 học viên tham dự lớp học này. Họ là những mục sư, truyền đạo và nhân sự từ các nơi trong thành phố Hải phòng và từ các tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Hải dương. Các học viên ở vào những lứa tuổi khác nhau; có vị đã về hưu, và cũng có những thanh niên còn đi học. Các buổi học thường mở đầu với phần ca ngợi thờ phượng. Chúng tôi thật cảm động khi nghe thấy các học viên say sưa ca ngợi Chúa. Không ai cần thánh ca hay sách bài hát, vì mọi người đã thuộc lòng các bài ca. Tinh thần ca ngợi hết lòng là một truyền thống qúy báu mà các tôi tớ Chúa đã học được từ phong trào hội thánh tư gia.
Trong lớp học, chúng tôi không có giảng thuyết nhiều, nhưng chúng tôi để các học viên chia tổ để cùng nghiên cứu và thảo luận tài liệu giáo khoa với nhau, rồi sau đó tường thuật lại cho cả lớp cùng nghe. Cũng có những phần trong bài học, chúng tôi cho các học viên đóng kịch để thực hành những gì mình học được. Nhiều học viên đã diễn kịch thật xuất sắc. Họ đã rất “nhập vai,” nhất là trong trong các vở kịch để thực tập phần tâm vấn mục vụ. Cả lớp đã có nhiều dịp vui cười thỏa thê khi xem các vở kịch, cũng như khi nghe những lời phát biểu ngộ nghĩnh của các đồng môn. Cả lớp và chính chúng tôi đã không nín cười được khi một vị tôi tớ Chúa đã cao tuổi, một cựu đảng viên, đã theo thói quen mà bắt đầu lời phát biểu bằng câu: “Xin báo cáo với các đồng chí....”
Sau ba ngày học hỏi vui vẻ, chúng tôi đã chia tay nhau trong quyến luyến. Các học viên ao ước sẽ có những lớp học tương tự trong tương lai để giúp họ tăng tiến hơn lên trên bước đường phục vụ Chúa. Các mục sư cũng cho biết rằng thành phố Hải phòng có tất cả là 1.6 triệu dân. Trong đó có chừng 2000 tín hữu Tin lành. Con số thật khiêm nhừng. Tuy nhiên, các tôi tớ Chúa rất lạc quan vì thấy Chúa đang làm nhiều dấu kỳ phép lạ để cứu đồng bào tại khu vực này. Đồng bào có rất nhiều thiện cảm với Phúc âm. Hội thánh Mennonite tại Hải phòng mong ước được có Liên hữu đứng bên cạnh để hỗ trợ Hội thánh trong công tác rao giảng phúc âm, mở mang nước Chúa, và huấn luyện các nhân sự.
MỘT HỘI ĐỒNG LỊCH SỬ
- Anh đến đây bằng gì? Bằng máy bay, bằng xe hơi, hay bằng xe buýt?
- Bác đến từ đâu? Từ Edmonton, Calgary, Vancouver, Winnipeg, hay từ nơi nào?
Kẻ đi bằng xe hơi, kẻ bằng xe buýt, người đáp máy bay; kẻ từ Edmonton, kẻ từ Calgary, Sasktoon, Winnipeg, Vancouver; người từ Hoa kỳ, cũng có người từ Việt nam, Mã lai, Cambodia - gần 400 tín hữu cùng các mục sư, truyền đạo người Việt từ khắp các nơi đã đổ về Hội Thánh Mennonite Việt nam, Edmonton để tham dự Hội Đồng lưỡng niên lần thứ 9 của Liên Hữu Mennonite Việt nam Bắc Mỹ. Hội đồng đã bắt đầu lúc 10 sáng Thứ Bảy ngày 1 tháng 8, 2009. Có thể nói đây là một hội đồng lịch sử của Liên Hữu, vì hội đồng này có nhiều điểm đặc biệt. Ngoài số người tham dự đông đảo nhất từ trước đến nay, kỳ hội đồng này có nhiều điểm đặc biệt đáng ghi nhớ.
Đây là lần đầu tiên mà Hội đồng đã mời được các tôi tớ Chúa đại diện cho các công trường truyền giáo mà Liên Hữu bão trợ về tham dự Hội đồng. Ấy là MS Trần Đình Khánh từ Cambodia, MS Lê Văn Đức từ Mã Lai, MS Huỳnh Trọng Nghĩa từ Hải phòng, và MS Bùi Văn Tân từ Sài gòn. Hầu hết các vị này đã đến Canada hơn một tháng trước ngày Hội đồng. Các vị đã có dịp thăm viếng các Hội thánh, chia sẻ lời Chúa và làm chứng về công việc Chúa tại công trường của mình. Nhờ đó con dân Chúa am hiều hơn công việc Chúa, và được phấn khởi khi tham dự hội đồng.
Chúa đã dùng hai ban ca ngợi của HT Edmoton và HT Calgary để hướng dẫn hội chúng tôn vinh Chúa một cách thật đầy ơn. Nhiều người đã ca ngợi hết lòng và với nhiều nước mắt. Một tân tín hữu làm chứng rằng vào giờ ca ngợi, cô cảm nhận được sư hiện diện của Chúa. Các ông bà anh chị em trong Hội thánh Edmoton cũng đã tận tụy góp công để tiếp đón Hội đồng một cách thật chu đáo.
Chương trình tường trình truyền giáo vào tối Thứ Bảy cũng rất cảm động. Buổi tường trình kéo dài hơn 2.5 giờ liền mà con dân Chúa vẫn còn ham mến lắng nghe; không ai bỏ ra về sớm. Chúa cho việc truyền giáo kết quả ngoài sức tưởng tượng của con dân Ngài. Thật chỉ do ơn quyền của Chúa, chứ không phải do tài năng của một người nào, dầu rằng các tôi tớ Chúa đã nêu những gương hy sinh thật là đáng quý. Các bài giảng của các Mục sư cũng được Chúa xức dầu và đem khích lệ cho nhiều người. Các lời làm chứng của các HT ở Bắc Mỹ, nhất là HT tại Philadelphia đã đem niềm phấn khởi cho con dân Chúa. Chúa cứu nhiều người ra khỏi tội lỗi, bệnh tật, tà linh. Một số HT trong Liên hữu cũng đã mở ra những HT, những nhóm nhánh trong vòng hai năm qua. Thật Chúa không chỉ vận hành ở hải ngoại, mà Ngàicũng đang vận hành một cách đầy quyền năng giữa vòng HT Việt nam tại Bắc Mỹ nữa. Con dân Chúa cũng đã dâng hiến rộng rãi để trang trải các chi phí của Hội đồng, cũng như để yễm trợ chương trình truyền giáo.
Hội đồng đã cử tân Ban Chấp Hành của Liên Hữu, gồm 7 vị sau: MS Nguyễn Thanh Tuyền (Hội trường); MS Phạm Hữu Nhiên (Hội phó); MS Đặng Hồng Châu (Thư ký); MS Phạm Hữu Thuận (Ủy viên Xã Hội); MS Trần Phấn Phước (Ủy Viên Vận động Tài chánh); Bà Phạm Thị Thà (Ủy Viên Truyền giáo), Cô Huỳnh Ngọc Phương (Thủ quỹ).
Hội đồng đã kết thúc vào tối Chúa nhật 2/8/2008 trong niềm vui mừng tràn đầy của những người tham dự.
XIN CÁC HỘI THÁNH VUI LÒNG IN BẢN TIN NÀY THÀNH NHIỀU BẢN ĐỂ PHÁT RA CHO CON DÂN CHÚA CÙNG XEM – THÀNH THẬT CẢM ƠN