Bất Kể Chủng Tộc hay Màu Da

Những điều mà một người Mỹ gốc Nhật học từ Chúa Jêsus khi người tận hiến cả đời mình để đem phúc lợi xã hội đến với những người Mỹ gốc châu Á trong cảnh túng thiếu

Cyril Nishimoto

Tên tôi là Cyril Nishimoto, thế hệ thứ ba những người Mỹ gốc Nhật, sinh ra và lớn lên tại Gardena, California. Tôi đã cố gắng để có thể có được nền học vấn tốt nhất và thật may mắn là tôi đã lấy bằng cử nhân về ngành Tâm Lý học tại đại học Yale và bằng Giáo viên dạy Luật của trường Đại học Luật Columbia.

Từ hồi còn học phổ thông, tôi đã theo đuổi giấc mơ được giúp đỡ những người có xuất thân nghèo khổ giống tôi và sau đó tôi đã trở thành một luật sư cho cộng đồng nghèo khổ, là chủ tịch của một cơ quan mà tôi giúp đỡ thành lập -- Sở An Sinh Xã Hội cho người Mỹ gốc Nhật (JASSI) tại thành phố New York. Tôi thích thú làm việc tại JASSI và tham dự nhóm cộng đồng người Mỹ gốc Châu Á trên 15 năm trước khi tôi cảm thấy Chúa gọi tôi trở tại Los Angles.

Hiện tại tôi phục vụ trọn thời gian, là Giám đốc điều hành của Iwa, một tổ chức Cơ Đốc xuất bản sách báo cho những người Mỹ gốc Nhật và Châu Á.

Những lời sau đây sẽ mô tả cách Chúa Jêsus quan tâm đến những người bị ruồng bỏ trong xã hội và những lời Ngài dạy về đáp ứng nhu cầu của kẻ khác…

Chúa Jêsus chữa lành người mù

Nầy, có hai người mù ngồi bên đường, nghe nói Đức Chúa Jêsus qua đó, thì kêu lên rằng: Lạy Chúa, Con cháu vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi! Chúng rầy hai người ấy, biểu nín đi; nhưng họ kêu lớn hơn nữa, rằng: Lạy Chúa, con cháu vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi! Đức Chúa Jêsus dừng lại, gọi hai người mù đến, mà phán rằng: Các ngươi muốn ta làm chi cho? Họ thưa rằng: Lạy Chúa, xin cho mắt chúng tôi được mở ra. Đức Chúa Jêsus động lòng thương xót, bèn rờ đến mắt họ; tức thì hai người thấy được và đi theo Ngài. (Ma-thi-ơ 20:30-34)

Chúa Jêsus phán: “Ta là sự sáng của thế gian. (Giăng 9:5)

Lần đầu tiên Chúa Jêsus viếng thăm tôi là khi tôi còn bé. Tôi thấy Chúa là Đấng tẩy sạch cuộc đời tôi và là chiếc vé cho tôi vào thiên đàng. Đối với câu hỏi của Chúa Jêsus: “Con muốn ta làm gì cho con?” Tôi thưa: “Xin đến ngự vào lòng con và làm sạch tội lỗi con để con có thể được vào thiên đàng khi con qua đời.” Và Ngài đã làm. Ngài ban cho tôi sự bảo đảm được vào thiên đàng.

Khi tôi 14 tuổi, tôi gặp gỡ Chúa Jêsus theo một cách mới. Tôi thấy Ngài như một nhà cách mạng có thể thay đổi từng tấm lòng và do đó có thể thay đổi cả thế giới. Đối với câu hỏi: “Con muốn ta làm gì cho con?” Tôi trả lời: “Xin thay đổi tấm lòng con, hãy để con sống và chết cho Ngài và vì Ngài, xin giúp con thay đổi thế giới này.” Và Ngài đã nhậm lời. Ngài ban cho tôi mục đích của cuộc sống.

Cuộc đời quan tâm săn sóc những người bị xã hội ruồng bỏ của Ngài đã thôi thúc tôi theo đuổi học vấn và sự nghiệp trong sở dịch vụ xã hội, nơi tôi có thể đem sự công bằng xã hội đến cho những người nghèo và những người thểu số. Vì thế tôi đã dâng trọn 20 năm làm luật sư cho những dân thường gốc Nhật sống trong đói nghèo.

Cách đây khoảng 10 năm, sau khi cố gắng làm việc hết sức để phục vụ Chúa trong hội thánh và trong những hoạt động của cộng đồng, tôi đã gặp và nhìn Chúa Jêsus theo một cách khác. Ngài không chỉ là Đấng hiện hữu để ban cho tôi điều gì đó -- lối vào thiên đàng hay một thế giới được biến đổi -- dầu Ngài hoàn toàn có khả năng làm những điều ấy. Ngài không chỉ là cứu cánh cuối cùng. Ngài là tất cả. Đối với câu hỏi của Ngài: “Con muốn Ta làm gì cho con?” Tôi đáp: “Không làm gì cả. Ngài đã làm tất cả cho con rồi. Con chỉ muốn gần bên Ngài và nhận biết rõ ràng về chính Ngài.” Bây giờ tôi có thể vui hưởng sự gần gũi với Chúa mà tôi chưa từng có trước đây. Tôi đã tìm thấy Ngài là của báu trong đời, là thứ tôi hằng tìm kiếm. Ngài là ánh sáng của thế giới, là Đấng đã chạm đến và mở mắt của những kẻ mù như tôi bằng tình yêu. Tôi càng nhìn thấy và hiểu Ngài bao nhiêu, tôi càng vui hưởng cuộc sống bấy nhiêu.

Chúa Jêsus Quan Tâm Đến Những Người Sống Bên Lề Xã Hội

Một người đàn bà Sa-ma-ri đến múc nước. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy cho ta uống. Vì môn đồ Ngài đã đi ra phố đặng mua đồ ăn. Người đàn bà Sa-ma-ri thưa rằng: Ủa kìa! Ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người đàn bà Sa-ma-ri sao? (Số là, dân Giu-đa chẳng hề giao thiệp với dân Sa-ma-ri.)

Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ví bằng ngươi biết sự ban cho của Đức Chúa Trời, và biết người nói: “Hãy cho ta uống” là ai, thì chắc ngươi sẽ xin người cho uống, và người sẽ cho ngươi nước sống.

Người đàn bà thưa: Hỡi Chúa, Chúa không có gì mà múc, và giếng thì sâu, vậy bởi đâu có nước sống ấy?… Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi; 14 nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời. (Giăng 4:7-14)

Tôi cũng là một người nằm bên lề xã hội. Tôi là một người thuộc dòng dõi người Nhật sống ở một đất nước khác biệt về chủng tộc và văn hoá so với đất nước mà tổ phụ chúng tôi đã xuất thân. Tôi là con của những người bị chính phủ Canada đưa vào trại tập trung suốt Chiến tranh thế giới thứ 2 do sự phân biệt chủng tộc. Khi còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi cũng bị những đứa trẻ khác gọi là “Jap” hay “Nip” (tạm dịch thằng người Nhật). Nhưng sống trong một cộng đồng người Mỹ gốc Nhật ở đảo, tôi không trải qua nhiều những kinh nghiệm như thế. Và tôi cảm thấy tôi là người giỏi hơn -- thông minh hơn, được nuôi dưỡng tốt hơn và có nhiều năng khiếu bẩm sinh hơn là những người Mỹ không phải gốc Nhật. Nhưng khi tôi lớn lên, mọi thứ đã thay đổi. Tôi bị những người Mỹ không phải gốc Nhật khác tẩy chay vì kích thước và nét “đàn ông” của mình khác họ. Tôi phát hiện ra tôi thuộc lớp “người thiểu số”, một sản phẩm của hai nền văn hoá. Mặc cảm tự ti bắt đầu nảy sinh. Nhưng tôi chống cự lại nó bằng cách chăm chỉ chứng tỏ mình và cố gắng sống thành công bất cứ khi nào tôi có thể làm được -- trong học hành, sự nghiệp, thể thao, phục vụ cộng đồng và công việc của hội thánh. Tôi khao khát được chấp nhận và đói khát được tôn trọng. Nhưng biết khi nào cối xay ấy mới dừng lại? Thành công bao nhiêu cho đủ?

Chúa Jêsus đã vượt qua những ranh giới về chủng tộc và văn hoá để đến với tôi với “hơi thở sự sống” và “nước hằng sống”. Điều mà Chúa ban cho tôi là chính Ngài, chính sự sống của Ngài. Nhưng trước khi tôi có thể nhận lãnh điều ấy, tôi phải xử lý chính tôi. Tôi có một căn bệnh thuộc linh là luôn cố gắng sống mà không có Chúa. Cuộc sống lấy Chúa là trung tâm, giống như cuộc đời Chúa Jêsus, sẽ có sự chấp nhận và thoả lòng, không phải là những sự kiêu ngạo và tự ti mà tôi từng có. Vì vậy, Chúa Jêsus đã gánh cuộc đời bệnh hoạn của tôi, cất bỏ nó khi Ngài chết trên thập tự giá và gieo hạt giống sự sống phục sinh của Ngài vào lòng tôi. Ngài bày tỏ cho tôi thấy đối với Ngài, tôi được yêu thương và chấp nhận như một con người vô giá. Bánh và nước của Chúa Jêsus đã làm thoả mãn cơn đói khát của tôi. Tôi đã ra khỏi cái vòng xoáy ấy và Ngài khiến những mặc cảm tự ti của tôi biến mất và khiến tôi chấp nhận chính mình là một người Mỹ gốc Nhật như con người thật của chính tôi. Tôi biết điều ấy đang xảy ra vì tôi lớn lên và thấy những người sống bên lề xã hội khác cũng là những người có giá trị.

Chúa Jêsus chạm đến người bị phung

Nầy, có một người phung đến gần, lạy Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được.

Đức Chúa Jêsus giơ tay rờ người, mà phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi. Tức thì người phung được sạch. (Ma-thi-ơ 8:2-3)

Không ai dám chạm đến người phung trong thời đại của Chúa Jêsus nhưng Ngài đã làm điều đó. Theo luật pháp, người phung phải vừa đi vừa la to ở những nơi mà họ đang đến rằng “Tôi bị phung” để người khác vừa chạy vừa la “Không sạch!” Qua cái chạm đầy tình thương, Chúa Jêsus không chỉ đáp ứng nhu cầu thuộc thể của một thân thể bị bệnh nan y, Ngài còn đáp ứng nhu cầu xã hội của một tâm hồn bị ruồng bỏ.

Tôi nhớ có một lần một người mẹ chưa lập gia đình nằm trong diện trợ cấp xã hội đến với hội thánh tôi với bốn đứa con mà có tới ba người cha khác nhau! Người ta không biết phải làm gì với cô ấy. Hầu hết mọi người đều muốn cô ta đi ngay. Cô ta dừng bước nơi bậc cửa của văn phòng sở an sinh xã hội nơi tôi quản lý. Trong 15 năm, cô ấy là khách của chúng tôi, tôi đã giúp đỡ cô mọi thứ để có miếng ăn cứu đói và có nhà tập thể để ở trong lúc cô bị đuổi ra khỏi nhà và vô gia cư, để giúp cô ấy có được “thẻ xanh” trong chương trình “ân xá”. Thoạt đầu, tôi giúp cô vì ấy là công việc của tôi và là “việc mà Cơ Đốc Nhân phải làm”. Là một người sống sót nhờ khôn ngoan chợ búa, cô ta không chân thật, quan hệ bừa bãi và vô kỷ luật. Tôi vẫn nghĩ mình tốt hơn cô ta nhưng Chúa Jêsus đã chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã lầm.

Khi tôi nhìn Ngài và sự toàn hảo về mặt đạo đức của Ngài rồi nhìn chính mình, tôi thấy tôi cùng một căn bệnh phung như tôi thấy trong cô. Tôi cũng có xu hướng sống bất cần Chúa. Tôi chỉ thể hiện nó theo cái cách mà xã hội vẫn chấp nhận được. Cô ta thì không. Do vậy tôi kiêu ngạo và khinh thường cô ta hơn là nhìn cô với lòng thương xót như Chúa Jêsus nhìn cô như là một tâm hồn có giá trị vô hạn. Vì thế khi tôi đến với Ngài với bệnh phung của mình; một điều lạ lùng đã xảy ra. Tôi bắt đầu thấy điều này nhiều lần: Tôi có thể thấy giá trị của cô ta như Chúa Jêsus thấy tôi. Và tôi bắt đầu đối xử với cô ấy theo cách đó. Tôi học được rằng tôi càng kết nối với Chúa Jêsus bao nhiêu, giống như nhánh nho nối vào gốc nho, Ngài càng đặt trong tôi các đức tính của Ngài bấy nhiêu. Lìa khỏi Chúa, chúng ta không thể phục vụ với lòng đầy thương yêu được. Tôi đã kinh nghiệm sự làm sạch diệu kì ra khỏi sự kiêu ngạo của người phung mà chỉ duy cái chạm của Chúa Jêsus mới làm được.

Chúa Jêsus Dẹp Yên Cơn Bão

Kế đó, Đức Chúa Jêsus xuống thuyền, các môn đồ theo Ngài. Thình lình biển nổi bão lớn, đến nỗi sóng dậy phủ thuyền; nhưng Ngài đương ngủ. Các môn đồ đến gần, đánh thức Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết! Ngài phán rằng: Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ? Ngài bèn đứng dậy, quở gió và biển; thì liền yên lặng như tờ. Những người đó lấy làm lạ, nói rằng: Người nầy là ai, mà gió và biển đều vâng lịnh người? (Ma-thi-ơ 8:23-27)

Không con người bình thường nào có thể điều khiển những thế lực tự nhiên, tuy nhiên Chúa Jêsus đã khiến gió và biển phải vâng lời Ngài. Tôi tin rằng Ngài quyền năng ấy vì tôi đã nhìn thấy Ngài đem đến sự bình an và không rối trí trong những hoàn cảnh mà tôi không thể kiểm soát được.

Là người luôn vượt qua được mọi thách thức trong học vấn, tôi thật sự thất vọng khi không đỗ kì thi dành cho luật sư liên bang tại New York, dầu điểm tôi suýt soát điểm đậu. Tôi cảm thấy xấu hổ vì thất bại và đây là một sự thất bại mà trước giờ tôi chưa từng nếm phải. Phải mất hơn một năm ở với Chúa Jêsus trên con thuyền của Ngài để Ngài làm yên cơn bão trước khi tôi thi lại và thi đậu. Cùng năm đó, tôi đã thấy giá trị của mình không phụ thuộc vào sự thành công trong học vấn hay địa vị trong xã hội nhưng là trong giá trị của đời sống tôi đối với Chúa.

Không lâu sau khi tôi thi lại lần hai, tôi được đưa vào bệnh viện vì bị chứng tràn khí ngực (xẹp phổi) và phải tiến hành đại phẫu. Trước đó tôi chưa từng gặp rắc rối đối với thân thể đến nỗi phải vào bệnh viện hay cần phải phẫu thuật. Nhưng Chúa Jêsus đã ở đó để làm yên cơn bão và giúp tôi nhận ra rằng thân thể và sức khoẻ của tôi không phải do tôi kiểm soát nhưng hoàn toàn là do Ngài. Vì vậy tôi kiên quyết săn sóc chính mình -- tránh làm việc quá sức bất cứ khi nào có thể và không để công việc làm thân thể tôi suy sụp, tôi cũng ưu tiên nghỉ ngơi, ăn uống điều độ và tập thể dục mỗi ngày. Nhưng tôi hiểu rằng tình trạng sức khoẻ tốt cũng là món quà quý giá từ Đức Chúa Trời và vì đó là món quà mà Chúa ban nên Ngài cũng có quyền lấy lại.

Vài năm sau, trong một lần về nhà muộn vào ban đêm, lần đầu tiên trong đời tôi bị trấn lột bằng dao ngay trước cửa nhà. Đồng hồ và tiền mặt bị cướp nhưng tôi vẫn không bị thương. Cá nhân tôi cảm thấy bị xúc phạm, nhục nhã, bị tổn thương và bất lực. Nhưng một lần nữa Chúa Jêsus vẫn ở với tôi và lần này tôi có thể thấy sự thiếu sót của mình trong sự quản lý của cải, danh dự và sự sống. Tôi tranh chiến với điều này ít nhiều nhưng cuối cùng tôi nhận ra rằng điều có ý nghĩa với tôi nhất là tôi vẫn còn sống và sự sống của tôi là có giá trị trước mặt Chúa. Ngài đã làm yên cơn bão khác trong cuộc đời của tôi.

Tôi cảm thấy được vinh dự đến khó tin khi tôi có một mối quan hệ thật mật thiết với một nhân vật xuất chúng như Chúa Jêsus. Ngài đã tuyên bố về chính Ngài với những lời hết sức kỳ lạ mà không người nào dám tuyên bố nhưng tôi tin những điều ấy vì Ngài liên tục tỏ cho tôi chúng rất thật như thế nào khi tôi tương giao với Ngài mỗi ngày. Bất cứ ai sẵn lòng từ bỏ sự sống của mình cho tôi thì chắc chắn khi người đó nói người đó yêu tôi thì ấy là lời nói thật sự nghiêm túc. Tôi muốn bạn nhận biết Ngài và tình yêu của Ngài dành cho bạn.

Chúa Jêsus phán: “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.” (Khải huyền 3:20) Nếu bạn nghe tiếng Ngài gõ cửa lòng bạn và bạn muốn mời Ngài bước vào và xây dựng mối quan hệ mật thiết với bạn thì bạn có thể mời Ngài làm điều ấy ngay lúc này. Bạn có thể cầu xin Ngài theo những lời như sau:

“Lạy Chúa Jêsus, con tin Ngài là Đấng như Ngài đã tuyên bố. Con cảm ơn Ngài đã yêu con qua sự hy sinh mạng sống Ngài cho con. Con xin dâng đời con cho Ngài. Xin Ngài bước vào và làm tấm lòng con mới lại. Con cảm ơn Ngài đã dẫn con về Nhà, về gia đình của Ngài và ban cho con tất cả những gì con cần để thoả mãn nỗi khát khao sâu thẳm nhất của tâm hồn con.”

Sưu tần nét