Cuộc sống cần cù của người Việt vùng ngoại ô Phnom Penh

 

Một ngư dân người Việt ở Xóm Mới, ngoại ô Phnom Penh, đang ngồi vá lưới - RFI/Thanh Phương
 
 
Xóm Mới,cách Phnom Penh khoảng 18 km, là một xóm chỉ toàn người Việt, mà đa số là sống nghề cá. Còn cách thủ đô Cam Bốt không đầy 10 cây số là một xóm người Việt khác, quen gọi là xóm Cây Số 9. Gần thủ đô, nên xóm này trông giống một khu phố hơn, nhà cửa có phần khang trang hơn. Đặc phái viên Thanh Phương đã có dịp đến các nơi này tìm hiểu nhân chuyến ghé Cam Bốt theo dõi Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN đầu tháng 04/2012.
 
Xóm Mới, nằm cách Phnom Penh khoảng 18 km, dọc theo bờ sông Tongle Sap, là một xóm chỉ toàn người Việt, mà đa số là sống nghề cá. Người dân ở đây cần cù làm ăn và vẫn giữ được bản tính chân chất và hiếu khách của người Nam Bộ, như gia đình ông Nguyễn Văn Đạo, sống ở Cam Bốt từ 30 năm nay. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn, mà theo thời gian nay cũng đã đến lúc phải tu bổ lại do các cây cột đã úng mục nhiều, ông Đạo kể về cuộc sống của gia đình ông:
 
« Hồi xưa ông già bà già tôi là sống ở Campuchia, tới năm 70 mới về Việt Nam. Rồi đến năm 1982 lên đất Miên ở tới bây giờ luôn tại Xóm Mới này. Ở bên kia phải có đất ruộng hay là nghề nghiệp mới làm được, chứ còn trên Campuchia này dễ sống hơn.
 
Đa số bà con ở xóm này làm nghề cá, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây cũng có những người nhảy ra làm bê, làm hồ, làm tủ, làm bàn ở Nam Vang.
 
Từ lúc năm 2000 trở về trước, làm nghề cá phải đóng thuế cho kiểm, còn từ năm 2000 trở lại đây, không đóng thuế, làm dễ hơn, nhưng cá lại ít hơn hồi trước. Tại vì người ta ngăn lại lô, bửng, không cho cá ra ngoài này. Bây giờ, Hun Sen cho mở lô lại, cá bây giờ có lại ».
 
Bên bờ sông, dưới tàn cây, một ngư dân đang ngồi vá lại tấm lưới, một ngư dân khác thì tu bổ lại chiếc ghe bị thủng vài chỗ. Đó là ông Huỳnh Văn Tá. Năm nay 48 tuổi, ông Tá đã sống ở Cam Bốt từ năm 1970. Khi Pol Pot vào, gia đình ông chạy về Việt Nam, cho đến khi bộ đội Việt Nam đánh đuổi Khơme Đỏ thì họ quay trở lại sinh sống ở Cam Bốt cho đến bây giờ. Theo ông Tá, nghề cá bây giờ khó khăn hơn, nhất là vì họ bị đóng thuế nặng hơn dân bản địa :
 
"Họ đánh thuế chúng tôi hơi nặng, còn với người Chàm, người Miên thì họ đánh thuế nhẹ hơn. Nhưng mình sống ở đất Campuchia từ hồi đến giờ quen rồi, về Việt Nam thì sống không nổi. Nên ở đây đành phải chịu hẹp hòi một chút.
 
Cá thì nhiều lắm, nhưng vô kỳ thì nó không cho mình làm, đợt dứt kỳ họ mới cho mình làm. Trong khi người Chàm, người Miên thì lúc nào làm cũng được. Thật ra mấy ông ở cấp trên cho làm, nhưng mấy ông nhỏ ở dưới này thì không cho mình làm. Cho họ tiền nhiều thì được làm, còn cho ít thì không được làm. Không chỉ có kiểm trên sông, mà trên bờ lính, công an, tổ cứ kiếm chuyện. Đút tiền thì êm, còn không đút thì nó bắt mình.
 
Sống ở đất Campuchia này mần ăn thì đủ ăn đủ xài thôi. Mấy năm trước còn làm ăn dễ dàng, nhưng bây giờ ngày càng khó khăn. Về thuế, thì ngoài phần đóng ở cấp trên, ví dụ như 700 ngàn, xuống dưới này còn phải đóng thêm 2 triệu."
 
Cách Phnom Penh khoảng 9 km, có một xóm người Việt khác, mà người ta quen gọi là xóm Cây Số 9, ở phường Svay Pak, quận Russey Keo. Gần thủ đô, nên xóm Cây Số 9 trong giống một khu phố hơn, nhà cửa có phần khang trang hơn.
 
Dân trong xóm này đa số làm nghề chân tay : thợ hồ, thợ nề, hoặc thợ chạm gỗ. như anh Hứa Văn Hoắc, gia đình trước kia ở Đồng Nai, nhưng sang Cam Bốt từ năm 1983 và riêng bản thân anh Hoắc thì sống ở đây từ khoảng 20 năm nay. Anh cho biết nghề chạm gỗ cũng gặp khó khăn hơn trước đây, do chính quyền ngày càng cấm đoán việc khai thác, buôn bán gỗ, thu nhập của anh giảm đi nhiều. Chưa kể đến việc đôi khi bị chủ người Miên bắt ép.
 
Sống nơi xứ người, dân Việt càng cần có một chỗ dựa tinh thần và thường chổ dựa đó là các chùa. Tại Xóm Mới, cũng có một ngôi chùa, đó là Phước Long Tự, được xây từ năm 2000, nhưng nay đang được tu bổ, xây lớn thêm, nên còn rất bề bộn. Phần Chánh Điện cũng chưa hoàn tất. Trụ trì chùa này là sư cô Thích Nữ Diệu Hòa. Trước đây tu tại chùa Chuông ở Châu Đốc, đến năm 2011, sư cô được các Phật tử ở Xóm Mới mời sang đây lo Phật sự cho chùa. Nhưng ngay khi mới đến đây, sư cô Diệu Hòa phải vận động bà con Phật tử trong xóm để xây lại ngôi chùa đã quá xập xệ :
 
« Nhà khói, nhà bếp và phóng ở quá xập xệ, khi nước lớn thì bị ngập. Cho nên, tôi mới kêu gọi Phật tử đóng góp. Với lại tôi cũng có bà con ở trên này chung góp thêm để chùa từ từ. Địa phương ở đây họ không gây khó dễ gì hết trong việc cấp phép xây chùa, vì họ thấy là chùa này trước đây không có chỗ nghĩ ngơi, tu học đàng hoàng. Nhưng chúng tôi phải tự xoay xở hết, chứ không được sự hổ trợ của Phật giáo bên nhà và cũng không có sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương. »
 
Nếu như Phước Long Tự hoàn toàn do sự đóng góp của thiện nam tín nữ ở Xóm Mới hoặc bà con của sư cô Thích Nữ Diệu Hòa, thì chùa Quan Âm Hội ở Xóm Cây Số 9 lại được sự hỗ trợ của Giáo hội Phật giáo trong nước và sự đóng góp của nhiều mạnh thường quân, nên chùa này đồ sộ, khang trang hơn rất nhiều. Sau một lần đi hành hương qua Cam Bốt, thượng toạ Từ An Lạc đã quyết định ở lại trụ trì Chùa Quan Âm Hội. Thượng toạ cho biết :
 
« Cũng nhờ sự đóng góp của thiện nam tín nữ, Phật tử trong nước nên chùa mới được xây dựng cơ bản và mỗi năm đều trùng tu, phát triển thêm để sau này có một Phật thất, niệm Phật, mỗi tháng thiện nam tín nữ, Phật tử có nơi tu học, theo mô hình thành công của chùa Hoằng Pháp ở Việt Nam.
 
Sinh hoạt của chùa vẫn bình thường, nhất là được chính quyền địa phương ở đây tôn trọng, vì ở đây có Giáo hội Phật giáo Việt Nam và được Bộ Tôn giáo và Lễ nghi cho phép thành lập để quản lý chùa chiền, quản lý tăng ni.
 
Bà con ở đây đa số làm công làm thuê, tuy cuộc sống nghèo khổ, nhưng về mặt tâm linh thì rất cao cả. Vào các ngày lễ, chùa rất đông. Lễ Vu Lan rằm tháng 7 có đến 10 ngàn người đến dự, Phật tử từ các tỉnh, từ thành phố ( Phnom Penh ) cũng tập trung về.
 
Trong phạm vi đất chùa cũng có một trường học dạy tiếng Việt, kèm theo tiếng Campuchia, để con em sau này hoà nhập vào xã hội này, để tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng do ảnh hưởng của cha mẹ đời trước, các gia đình ở đây chỉ cho con học để biết chữ, lớn lên thì nghỉ học, tham gia lao động, không có gia đình nào mà con cái có bằng cấp »
 
Đúng là mặc dù có lớp học Khmer-Việt Nam Svay Pak dành cho con em trong xóm Cây Số 9, nhưng những phụ huynh như anh Hứa Văn Hoắc, thợ chạm gỗ mà chúng tôi đã có nói ở trên, không thể cho con học cao hơn cấp tiểu học. Tương lai con em của những gia đình ở Xóm Mới, như lời ông Nguyễn Văn Đạo, lại càng mờ mịt hơn.
 
Nguời Việt có gốc gác, quan hệ với Cam Bốt từ bao đời nay vẫn quen là, khi nào không ở được Cam Bốt nữa, thì chạy về Việt Nam (như vào thời Pol Pot), và khi ở Việt Nam khó sống hơn thì quay lại Cam Bốt kiếm kế sinh nhai (như vào thời Việt Nam còn chưa mở cửa).
 
Tuy rằng ai cũng công nhận là ở Cam Bốt vẫn tương đối dễ thở hơn, nhưng bây giờ, cuộc sống dân nghèo ở nước này nói chung cơ cực hơn, nhất là so vật giá leo thang (một lít xăng nay đã là khoảng 1 đô la 25 cents), công việc làm ăn của người Việt ngoại ô Phnom Penh cũng bị ảnh hưởng lây. Bây giờ, làm nghề chạm gỗ ở Cam Bốt khó khăn hơn, anh Hứa Văn Hoắc cũng nghĩ đến khả năng trở về quê.
 
Nhưng có điều đối với nhiều gia đình, quay trở về Việt Nam sinh sống là chuyện vượt quá khả năng của họ như trường hợp của ông Nguyễn Văn Đạo.
 
Như vậy, ở lại cũng khó, mà quay về thì không thể, tương lai khá mờ mịt đối với bà con người Việt ở Xóm Mới. Rời khu xóm hiền hòa này, hình ảnh vẫn đeo bám chúng tôi đó là cảnh ngư dân trẻ ngồi vá lưới bên bờ sông, người vợ trẻ ngồi quây quần với hai đứa con thơ, một trai, một gái. Những đứa bé ấy có biết rằng tương lai của các em đã được định sẵn, tức là sẽ lại ngồi vào chỗ của bố mẹ bây giờ ?

 

RFI

Điểm Báo

Liên Hiệp Quốc chuẩn bị hành động thêm với Bắc Triều Tiên

Hình: AP - Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Susan Rice nói nghị quyết của LHQ lên án vụ phóng tên lửa bất thành của Bắc Triều Tiên cho thấy những hành động khác của Bắc Triều Tiên sẽ không được dung thứ   Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc nói cơ quan quốc tế này sẵn sàng có những hành động thêm nữa...

Phải chăng Trung Quốc đang dịu giọng?

AFP photo - Lá cờ Philippines (T) và lá cờ Mỹ (P) trong lễ khai mạc các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Philippines tại trại Aguinaldo, Manila vào ngày 16 tháng 4 năm 2012.   Những căng thẳng tại Biển Đông đặc biệt là giữa Trung Quốc với các nước nằm trong vùng tranh chấp gây ra quan ngại...

Nhân quyền VN nhìn từ Canada

Canada tôn trọng quyền thể hiện chính kiến của người dân kể cả qua biểu tình Ba mươi năm trước, vào ngày 17 tháng 4 năm 1982, Nữ Hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị đã đến thủ đô Ottawa, Canada để tuyên bố và ký chuẩn thuận Hiến chương Canada về các quyền và tự do - một phần quan trọng của Đạo luật...

Việt Nam: Hãy phóng thích ngay các blogger viết về nhân quyền

(New York, ngày 16 tháng 4, 2012) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố, chính quyền Việt Nam cần lập tức phóng thích các blogger Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày), Phan Thanh Hải (bút danh Anhbasg) và Tạ Phong Tần, đồng thời hủy bỏ mọi cáo buộc đối với họ. Có tin là Tòa án Nhân dân...

Biển Đông: Căng thẳng gia tăng

Ảnh minh họa/báo TQ - Trung Quốc thực hiện kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa-Việt Nam thành trung tâm quân sự và du lịch của Trung Quốc.   Biển Đông một lần nữa lại nổi sóng, cả ở Hoàng Sa lẫn Trường Sa; cả giữa Trung Quốc với Việt Nam và giữa Trung Quốc với...

1 | 2 | 3 | 4 | 5 >>

Topic: Cuộc sống cần cù của người Việt vùng ngoại ô Phnom Penh

No comments found.

New comment