GS Ngô Bảo Châu, TS Hà Vũ và Báo Công an

GS Ngô Bảo Châu, TS Hà Vũ và Báo Công an

Bà Pratibha Patil, Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields cho Giáo sư Ngô Bảo Châu

Bốn tuần sau khi Giáo sư Ngô Bảo Châu có blog phê phán phiên tòa xử Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ và ca ngợi dũng khí của ông Vũ trước tòa, báo Công an Nhân dân có bài phản pháo.

Bình thường báo này mau mắn hơn trong việc bảo vệ ngành, bảo vệ chế độ.

Nhưng có lẽ họ cần thời gian để viết cho kín kẽ về một người đã được cả Việt Nam và quốc tế vinh danh và cũng không loại trừ khả năng bài đã nằm trên bàn của ban biên tập báo từ lâu nhưng bây giờ mới được bật đèn xanh.

Trong những xã hội có nền báo chí đủ sức cạnh tranh quốc tế, chuyện ngành công an có một tờ báo riêng, lại không phải báo chỉ lưu hành nội bộ đã là chuyện lạ.

Không những thế báo của ngành sống nhờ vào tiền đóng thuế của dân lại công khai tấn công dân, nhất là những người mà ngành đã bắt và đưa ra truy tố.

Thêm nữa, quá trình xét xử còn chưa khép lại với phiên phúc thẩm Tiến sỹ Hà Vũ sẽ diễn ra trong nay mai.

'Biểu tượng'


Bài của tác giả Quý Thanh thể hiện rõ cách nhìn của công an Việt Nam đối với hai nhân vật Ngô Bảo Châu và Cù Huy Hà Vũ.

Cu Huy Ha Vu, Cù Huy Hà Vũ

Ông Cù Huy Hà Vũ bị giải ra tòa hôm 4/4/2011

Giáo sư Châu được người viết coi là "niềm tự hào của Việt Nam" trong khi Tiến sỹ Vũ "chỉ là một kẻ nhỏ bé với những cư xử tầm thường" không thể so sánh với các vị anh hùng trong lịch sử như Giáo sư Châu gợi ý trong blog mà nay ông đã đóng lại.

Người viết cũng chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo về cách đưa tin liên quan tới ông Hà Vũ qua việc không một lần dùng danh hiệu tiến sỹ mà ông Hà Vũ có được ở Pháp.

Trong khi đó Giáo sư Châu chưa bị tước học hàm cho dù Công an Nhân dân cho rằng ông "quá tùy tiện khi đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những biểu tượng anh hùng".

Tác giả Quý Thanh nói blog của Giáo sư Châu "dễ gây sự lầm lẫn biến Cù Huy Hà Vũ từ một kẻ vô giá trị thành một biểu tượng".

Chủ nhân và đầy tớ

Về mặt tự do ngôn luận, báo chí hoàn toàn có quyền bình luận về bất kỳ vấn đề gì.

Nhưng truyền thông lề phải của Việt Nam thường thả sức khi viết về người dân, những người 
mà đảng cầm quyền tôn vinh là 'chủ nhân' và họ chỉ là 'đầy tớ'.

Ngược lại họ rất kiệm lời và né tránh khi đề cập tới hành vi của chính quyền, nhất là chính quyền trung ương.

Tất cả những bình luận về cách hành xử của ngành công an trong vụ bắt Tiến sỹ Hà Vũ bằng "hai bao cao su đã qua sử dụng" cho tới cách điều hành phiên xử hôm 4/4 của chủ tọa và những vụ bắt người tới xem phiên xử được nói là công khai đều không thấy có mặt trong các bài viết trên báo chí chính thống.

Cách đưa tin 'nhất bên trọng, nhất bên khinh' của báo chí Việt Nam vi phạm một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của người làm báo thực thụ: bất thiên vị.

Trách nhiệm xã hội

Trở lại với Giáo sư Ngô Bảo Châu, người từng được chính báo Công an Nhân dân coi là "nguyên khí quốc gia", ông được truyền thông chính thống góp phần đẩy lên hàng thần tượng của giới trẻ.

Bản thân Giáo sư cũng ý thức được điều này như lời ông nói với báo Tiền Phong hồi tháng Ba.

"Việc nhận giải Fields tác động khá nhiều tới cuộc sống của tôi, song tôi cũng lường trước được nhiều chuyện.

Từ trước đến nay tôi chỉ tập trung vào chuyên môn nhưng khi biết mình được giải thưởng, tôi nhận thức trách nhiệm xã hội của mình sẽ lớn hơn.

"Lường trước điều này còn để sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm của mình đến đâu.

"Nếu không đưa ra được cho mình một giới hạn, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến việc làm toán mà cả đến đời sống riêng tư của mình nữa".

Thể diện quốc gia

Hai lần lên tiếng của Giáo sư Châu kể từ khi ông được giải Fields đều gây tác động lớn đối với giới trẻ.

Vài ngày sau khi nhận giải ông đã tuyên bố "bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do''.

Còn một tuần sau phiên xử ông Hà Vũ, Giáo sư Châu viết:

Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ

"Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này".

Báo Công an Nhân dân chỉ tập trung vào chuyện Giáo sư Châu so sánh Tiến sỹ Hà Vũ với những anh hùng lịch sử và bỏ qua phần lớn chi tiết khác trong blog của ông.

Cũng vậy, họ chỉ tập trung vào những chi tiết bất lợi cho Tiến sỹ Hà Vũ mà bỏ qua hoàn toàn bất kỳ đóng góp tích cực nào của ông cho xã hội.

Những người làm báo và những người chân chính nói chung đều hiểu một điều mà người Anh nói "truth is rarely pure and never simple" - tạm dịch thô "sự thật hiếm khi tinh khiết và chẳng bao giờ đơn giản".

Và làm báo ở Việt Nam thì tìm ra sự thật đã khó nhưng dũng cảm nói ra sự thật còn quý và hiếm hơn nhiều.

Gia đình chủ nghĩa

Nguyễn Xuân | 2011-04-29, 17:02

Bình luận (1)

London, ngày 29/04/2011.
Hôm nay trong lúc hàng nghìn người dân thủ đô London xuống đường đón mừng hôn lễ hoàng tử William và Kate Middleton, tôi ngồi tại trụ sở BBC Việt ngữ tường thuật trực tiếp hôn lễ qua mạng.

Thông điệp về hôn nhân của Richard Chartres, Giám mục London (Lord Bishop of London) dành riêng cho đôi vợ chồng mới cưới William và Kate khiến tôi suy nghĩ và so sánh về cái mà tôi gọi là "gia đình chủ nghĩa" tại Việt Nam ta hiện nay.

Gia đình chủ nghĩa là gì?

Đó là quan niệm coi gia đình là trọng, là lý tưởng sống, và là lẽ thường của cuộc đời.

Điều này đã là truyền thống ngàn đời tại Việt Nam, thể hiện qua nhiều câu ca dao tục ngữ:

Nhờ ơn cô bác giúp lời
Chị em giúp của, ông trời định đôi

Hay:

Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng

Nếu hôn nhân được tôn vinh như vậy thì tốt quá. Có gì mà tôi phải suy nghĩ mông lung chứ.

Tôi e rằng chính quan niệm ấy đang đẩy nhiều người trong chúng ta vào xu hướng lấy vợ lấy chồng cho xong, cho "hoàn thành nghĩa vụ cách mạng".

Thế nên đến tuổi hai mươi mấy, nhiều cô gái chàng trai Việt đã yên bề gia thất. Người nào trên ba mươi tuổi mà "chưa có gì hết" thì bị bạn bè chọc là "hàng ế, tồn kho, mất chìa khóa". Áp lực xã hội, gia đình, và của chính bản thân những người còn "solo" vô cùng lớn.

Theo số liệu bỏ túi của báo The Economist, năm 2010 thì Việt Nam xếp hạng tư trên thế giới vì có tỷ lệ người đã lập gia đình cao nhất. Theo đó, cứ mỗi 1000 người thì Việt Nam ta có 12.1 người đã thành hôn. Việt Nam chỉ đứng sau Mông Cổ, Đảo Cayman, và Bermuda trên lĩnh vực này.

Mặc dù tỉ lệ lập gia đình cao là thế, nhưng vì sao cũng tại Việt Nam, dường như xuất hiện ngày càng nhiều những mối hôn nhân lừa dối, không thật sự hạnh phúc? Ví dụ, tháng 5/2010, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, ISDS công bố kết quả điều tra về thói quen tình dục của đàn ông Việt Nam cho thấy 43% nam giới đang sống trong hôn nhân "đã và đang có quan hệ tình dục" bên ngoài. Phải chăng khi người ta đến với hôn nhân vì những lý do khác thì khi những lý do khác ấy không còn thuyết phục nữa thì người ta dễ dàng ruồng bỏ hôn nhân, hoặc trói buộc nhau trong hôn nhân không hạnh phúc!

Hôn nhân: Đi đâu mà vội mà vàng?

Tại sao lại có hiện tượng này? Dĩ nhiên đây là một câu hỏi lớn và sẽ mở rộng đường dư luận cho các bạn bình phẩm thêm. Trước hết, theo quan sát của tôi, hiện tượng này có lẽ là hệ quả của ít nhất là ba nguyên nhân sau:

Thứ nhất, đó là sự mất lòng tin của xã hội vào các chủ nghĩa khác. Khi người ta mất lòng tin vào những giáo điều, lý tưởng xa xôi, người ta có khuynh hướng vin vào gia đình mình, xem đó như điểm tựa để lấy lại lòng tin, lòng yêu thương và vun đắp cho hy vọng tương lai.

Thứ hai, áp lực gia đình - dòng họ lên việc "xây dựng gia đình" nhằm hợp thức hóa việc duy trì giống nòi rất lớn. Gia đình là nền tảng để người ta tích lũy, xây dựng, đôi khi tới mức "vun vén" sao cho gia đình mình được no đầy, ấm êm, còn bên ngoài xã hội thì nhiều khi "sống chết mặc bây". Gia đình còn là hình thức "hợp thức hóa" các quan hệ nam nữ ngoài hôn nhân trong điều kiện tình dục ngoài hôn nhân vẫn còn là điều cấm kỵ lớn tại Việt Nam.

Thứ ba, áp lực từ chính bản thân những người còn độc thân tạo ra cho mình cũng không kém phần quan trọng. Nhiều người độc thân trước trào lưu lấy chồng lấy vợ ồ ạt có thể cảm thấy "không trọn vẹn", lạc lõng khi chưa tìm ra một nửa của mình nên đôi khi "nhắm mắt đưa chân" cho xong, cho hợp với xu hướng của thời đại.

Thông điệp về hôn nhân cho đôi William - Kate và cho chúng ta

Giữa bối cảnh đó, thông điệp về hôn nhân của Giám mục phận London dành cho William và Kate có gì khiến tôi suy nghĩ?

Xin trích nguyên văn lời ông nói tại hôn lễ hôm nay:

"Be who God meant you to be and you will set the world on fire." Marriage is intended to be a way in which man and woman help each other to become what God meant each one to be, their deepest and truest selves.

Tạm dịch sang tiếng Việt:

Hãy là chính mình theo ý của Thượng Đế và bạn sẽ thắp sáng lửa trên khắp thế gian. Ý nghĩa của hôn nhân là giúp cho người nam và người nữ hỗ trợ nhau cùng trở nên con người mà Thượng Đế muốn họ trở thành - nghĩa là những bản ngã chân thật và sâu sắc nhất.

Ta hãy tạm gác qua những đề cập về Thượng Đế ở đây mà hãy chú trọng vào nội dung "người nam và người nữ hỗ trợ nhau cùng trở nên những bản ngã chân thật và sâu sắc nhất."

Theo thiển ý của tôi, khi người nam người nữ đến với nhau và giúp nhau trở nên những con người thật hơn, tốt hơn với đúng bản chất của mình thì hôn nhân của họ sẽ được thăng hoa. Gia đình của họ sẽ ấm êm và là nền tảng, tế bào của xã hội bền vững.

Bằng không, họ dễ phải sẽ dối lòng mình, dối nhau để đạt cho bằng được những tiêu chuẩn, kỳ vọng phù du mà gia đình và bản thân họ đặt ra cho nhau.

Đối với những ai còn độc thân vừa theo dõi đám cưới này: có lẽ trước khi tìm một nửa của mình, hay trong khi tìm một nửa kia của mình thì bạn hãy cố tìm cho ra bản thân mình trước. Để khi kết hợp với nửa kia thì hòa hợp và trọn vẹn.

Lời cuối

Hôm nay là ngày vui của William và Kate, ngày vui của bất kỳ ai trên thế giới vừa thành hôn. Chúng ta hãy chúc mừng họ và cầu mong sao hôn nhân mới mẻ của họ luôn phát triển và tràn đầy tình yêu, biết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, và từ nền tảng gia đình yêu thương đó, họ sẽ góp phần giảm bớt khổ đau trên thế giới ngày nay.

Tình yêu và Hy vọng

Phân loại:

Nguyễn Giang Nguyễn Giang | 2011-04-28, 15:34

Bình luận (0)

Cô dâu Catherine Middleton lên xe hoa
Ngày thứ Sáu 29/4 này tôi cũng có mặt trong số các nhà báo BBC đến một trong hai địa điểm đưa tin về Đám cưới Hoàng gia: Tu viện Westminster và Cổng Canada Gate cạnh Cung điện Buckingham.

Việc chuẩn bị cho chưa đầy một buổi sáng làm bài mà dân BBC phải lo cũng khá nhiều.

Tôi nhận được một tập hướng dẫn "chỉ có" 97 trang, mô tả chi tiết tên tuổi, chức danh của tất cả các khách dự lễ trong Westminster Abbey, từ thành viên Hoàng gia, đến quan chức cao cấp, giới ngoại giao nước ngoài, khách mời, kèm cả bản đồ các địa điểm và sơ đồ ai đứng ở đâu, làm gì, khi nào chính xác tới từng phút.

Ngoài ra là lộ trình giờ giấc cô dâu chú rể đi từ đâu đến đâu, xe hoa qua các địa điểm, tính theo phút.

Mọi trình tự của thánh lễ, định trước từng chữ, được ghi theo Luật về Hôn nhân Hoàng gia có từ năm 1772, quy định thể thức về đám cưới của mọi con cháu Hoàng đế George II.

Thậm chí đội Quân nhạc trong buổi lễ gồm những sĩ quan nào, chơi nhạc cụ gi, điệu nhạc gì cũng được ghi trong hướng dẫn.

Về mặt kỹ thuật, các nhà báo của BBC, ITN, Sky News của Anh được phát thẻ riêng và sẽ có chỗ làm việc định sẵn, với sơ đồ chi tiết quy định rõ từng đoạn dây cáp màu gì, cho nhóm nào trên sơ đồ.

Họ cũng dặn chúng tôi nếu định làm bài cho radio thì nên biết rằng sau đám cưới, chuông tại Tu viện sẽ đánh trong 3 giờ liền, nên hãy có kế hoạch riêng để xử lý tiếng ồn đó.

Về phía Hoàng gia, sự chuẩn bị cũng chẳng kém phần công phu.

Các đoàn xe, và đội kỵ binh đã diễn tập hai lần trong tuần này.

Và cô dâu chú rể cũng đến Tu viện Westminster hôm thứ Tư để "tập làm đám cưới".

Họ đã dượt qua một lần lễ tuyên thệ vì đến thứ Sáu này thì mọi chi tiết đều được truyền hình trực tiếp trên TV và YouTube nên không thể để xảy ra sơ suất.

Tất cả sự chuẩn bị khủng khiếp như vậy chỉ để dành cho một sự kiện "không phải tin" (non-news event), nhưng đang thành câu chuyện lớn ở Anh từ cả 10 năm qua.

Trên hai tỷ người sẽ xem truyền hình trực tiếp buổi lễ, và có tin đài CNN cử đội quân đông đảo nhất của họ từ xưa tới nay sang Anh.

Không khí có vẻ như là quân Mỹ kéo đến cứu Anh Quốc thời Đệ nhị Thế chiến.

Nhưng mọi việc có đáng không?

Có báo Anh lo rằng lễ lớn dễ biến thành kiểu "cả nước mừng sinh nhật Kim Nhật Thành", hay là bản sao nhạt màu của cảnh ăn chơi Hollywood.

Nhưng nếu xét về kinh tế thì chắc là đáng vì Anh chi ra 20 triệu bảng cho Hôn lễ Hoàng gia nhưng ước tính số du khách tăng lên cả 1 triệu người trong ngày lễ và weekend sau đó sẽ đem về khoản thu 50 triệu.


Người dân chờ xe đám rước Hoàng gia

Ngoài ra, dù không phải là người quá hoài cổ, tôi nghĩ Đám cưới Hoàng gia có hai tác dụng tâm lý với một phần đông người dân sống ở Anh như tôi đây.

Thứ nhất là niềm Hy Vọng rằng ̣đôi trẻ William Windsor và Catherine Middleton sẽ góp phần làm mới sinh hoạt văn hóa, chính trị.

Kinh tế Anh vẫn còn "khật khừ", dù thoát suy thoái nhưng chỉ số tăng trưởng vừa ra tuần này cũng đạt 0.5%, và với trên 2 triệu dân đang thất nghiệp thì xã hội cần một chút lạc quan.

Đây là điều quan trọng hơn tiền bạc vì tôi tin rằng nhà lãnh đạo, dù hiện tại hay tương lai - Hoàng tử William chỉ là người thứ nhì trong danh sách kế vị ngôi báu - cũng có trách nhiệm cho dân niềm hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn.

Các bạn ở Việt Nam dễ nghĩ tới Anh như một quốc gia sống trọn mình trong truyền thống quân chủ, với hình ảnh các ông hoàng bà chúa, lâu đài điện tựa như trong cổ tích.

Đám cưới Hoàng gia chắc chắn sẽ trưng ra với thế giới hình ảnh đó nhưng sống tại Anh này thì tôi lại đất nước này có một nhu cầu nội tại khác.

Đó là mong muốn tận dụng tối đa thế mạnh ngôn ngữ, truyền thống văn hóa, lịch sử để kết nối làm ăn toàn cầu.

Mục tiêu là để Anh Quốc không thua kém về kinh tế và giữ được vị thế quốc gia đang bị thách thức tứ bề: từ Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc và Trung Đông.

Thứ nhì, dù biết hôn nhân một vợ một chồng không còn là "tiêu chuẩn chung" của gia đình ở thời đại này vì quá nửa số cặp đôi ở Anh hoặc sống không đám cưới, hoặc đã đang ở 'tập hai', 'tập ba' - nhưng người ta cũng vẫn mong Wills và Kate sẽ lâu bền hơn với Tình Yêu của họ.

Một Kate Middleton gốc bình dân toại nguyện cũng khiến ta tạm tin là có thật cái ước mơ mọi cô gái ấp ủ từ tấm bé rằng một ngày chàng hoàng tử hiện ra, đón nàng về dinh.

Sau ngày vui, chàng phi công William sẽ trở lại đời thường, ngày ngày lái trực thăng cứu hộ ngoài biển, và công nương Catherine sẽ vào vai vợ lính ở căn cứ heo hút xứ Wales.

Nhưng nhân danh Tình Yêu và Hy Vọng, chắc bạn cũng không hẹp hòi gì mà cùng tôi chúc cho họ có một ngày cưới thật đẹp, và nhân thể giúp chúng ta có một buổi cuối tuần vui vẻ.

Tôi cũng sẽ không quên kể lại chuyện đi làm tin về Đám cưới Hoàng gia với các bạn vào ngày mai...

Cập nhật ngày Thứ Sáu 29/4: Mời các bạn xem qua phóng sự ảnh về một số chuyện bên lề tôi thu lượm sau nửa ngày ra trước Westminster Abbey cập nhật tin cho trang web BBC Tiếng Việt:

BBC

Bài Viết

Việt Nam không thể để Trung Quốc biến việc cưỡng chiếm Hoàng Sa thành sự đã rồi

  Trung Quốc điều tàu ngư chính xuống Hoàng Sa vào đầu tháng 9/2011, công khai vi phạm chủ quyền Việt Nam, ít lâu sau khi cuộc biểu tình tại Hà Nội phản đối Bắc Kinh ngày 21/08/2011 trên đây đã bị chính quyền trấn áp. - REUTERS/Tu Quang   Hồ sơ Hoàng Sa đang nổi lên thành...

Kiến Thức Nào Đem Lại Ích Lợi Chung Cho Xã Hội Ngày Nay

  I. Bản Chất và Trạng Thái của Kiến Thức   Về mặt bản chất, chúng ta có thể phân loại kiến thức có tính chất lý thuyết [1] hay thuần lý khác với kiến thức thực tế/thực dụng [2] có thể phối kiểm với đời sống; cũng như phân biệt giữa kiến thức phán đoán thể chất và sự kiện [3] và...

Nhân quyền hay dân quyền?

Cuộc biểu tình vì nhân quyền Việt Nam trước ngày phái đoàn vào Toà Bạch Ốc 7/2   Thỉnh nguyện thư của cộng đồng Mỹ gốc Việt về nhân quyền cho Việt Nam đệ nạp lên Tổng thống Barack Obama qua mạng của Tòa Nhà Trắng ngày 7/2 bắt đầu bằng câu "Chúng tôi thỉnh...

Kịch tính... 1001 đêm Ba Tư (Iran)

Amos Yadlin, cựu giám đốc của cơ quan tình báo quân sự Israel, là giám đốc của Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia ở Israel.   “Một phương án quân sự đã sẵn sàng và tôi cho rằng mọi người hiểu điều đó nghĩa là gì” –  Tổng Thống Mỹ Obama trả lời khi được hỏi về những ý định của Mỹ...

Ai sai phạm trong vụ án Đoàn Văn Vươn?

Vụ việc UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng tiến hành cưỡng chế trái pháp luật để thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã dẫn đến việc gia đình ông tự chế mìn và trang bị súng bắn đạn hoa cảiđể tự vệ. Điều này cho thấy những người dân vốn hiền lành quanh năm lao động bán mặt cho đất,...

1 | 2 | 3 | 4 | 5 >>

Topic: GS Ngô Bảo Châu, TS Hà Vũ và Báo Công an

No comments found.

New comment