Nghìn lẻ một chuyện Ai Cập hậu kỳ Mubarak

Nghìn lẻ một chuyện Ai Cập hậu kỳ Mubarak

Tình quân dân Ai Cập: chú bộ đội đón bé thơ lên xe tăng trong đợt biểu tình chống tổng thống Mubarak

Chuyện ông Hosni Mubarak rớt đài cuối tuần qua có thể đánh dấu bằng một loạt con số: 300, 30 và 3.

Ông cầm quyền 30 năm, bị lật đổ sau gần 3 tuần biểu tình, với số nạn nhân chừng 300 người thiệt mạng.

Tuyên bố ông ra đi của phó tổng thống Omar Suleiman, cộng cả lời cầu nguyện, 'Thượng Đế ban phước', kéo dài chừng 30 giây.

Ngay sau đó, nhiều vấn đề lưu cữu nay bỗng lộ ra trần trụi.

Chỉ biết chống khủng bố

Hóa ra, chiến lược an ninh vùng Mỹ dày công xây đắp và đổ tiền của vào nuôi bỗng như xe tăng qua sa mạc, xăng dầu, súng đạn thì còn, nhưng người lái bỏ trốn vì nóng quá.

Bị động, Tổng thống Obama mãi đến phút cuối mới kịp nhảy sang 'lề đúng' của lịch sử.

Lý do chính là sau vụ 9/11, Hoa Kỳ nhìn chính trị Trung Đông chủ yếu qua lăng kính chống khủng bố.

Bận với Iraq, Hoa Kỳ cũng quá chú tâm kết thân với Thổ Nhĩ Kỳ và Israel để kiềm chế Iran trong tam giác ba nước cường quốc vùng nên chậm nắm bắt động lực xã hội tại các nước Ả Rập.

Trong khi đó, mạng truyền hình 'tiếng nói đường phố' Al Jazeera từ mấy năm qua đã biến đổi tư duy của người dân khắp khu vực.

Toàn vùng nay có hàng triệu thành niên thừa thông tin nhưng thiếu cơ hội.

Niềm tự kiêu bị tổn thương sau cuộc chiến Iraq khiến họ muốn đứng lên làm một điều gì đó cho bản thân, không đợi các lãnh đạo già cả dẫn dắt.

Những liên minh chính trị cũ cũng bỗng mất tính thời sự.

Hiệp ước hoà bình Ai Cập - Israel năm 1979 do Hoa Kỳ bảo trợ thực ra chỉ ngưng tiếng súng, chưa bao giờ kiến tạo được hòa bình và tình hữu nghị giữa hai xã hội.

Nay cả Hoa Kỳ và Israel sẽ phải tính nước cờ mới, và chắc cũng hiểu 'đầu tư an ninh' vào các vị tướng ngoài 70 tuổi của Ai Cập thời kỳ hậu Mubarak không phải là cách làm tối ưu.

Bài học về cơ chế vùng

Một điều lộ ra trần trụi nữa sau biến cố Ai Cập là sự bất lực của cơ chế vùng.

EU đã quá chậm, không tìm ra tiếng nói chung trong lúc sóng thần biểu tình tràn khắp Bắc Phi.

Mới hôm nào, Tổng thống Sarkozy còn đưa ra sáng kiến về một Liên hiệp Địa Trung Hải, nhằm liên kết Pháp với các nước Bắc Phi.

Nhưng liên minh trong phòng khách giữa các lãnh đạo với nhau chỉ là "dự án trên giấy".

Chưa kể, bà bộ trưởng ngoại giao của Pháp còn đang điêu đứng vì vụ đi nghỉ hè bằng phi cơ của người thân hữu với nhà độc tài Tunesia Ben Ali.

Tuy thế, trông người phải nghĩ đến ta.

Nếu như Liên đoàn Ả Rập bất lực ở Bắc Phi thì Asean cũng đang tê liệt trước vụ quân lính Campuchia và Thái Lan đang bắn trọng liên, thẩy lựu đạn vào nhau.

Nguyên tắc không can thiệp là hỏa mù che dấu việc thiếu vắng viễn kiến?

Các cuộc họp hành tốn kém giữa các nhà lãnh đạo vùng, dù ở Trung Đông, châu Âu, hay Đông Nam Á diễn ra liên tục bao năm qua xem ra không có nhiều điểm chung với các vấn đề của người dân.

Người ta vẫn cứ kết nối nhau trên các trang mạng xã hội, chẳng cần thông qua các lãnh đạo 'anh minh', chăm chỉ dự hội nghị thượng đỉnh và bắt tay trên truyền hình.

Tình trạng ai lo việc nấy chỉ giữ được ổn định bề ngoài cho đến khi đường phố nổi giận.

Mọi chuyện ở Trung Đông xem ra mới chỉ là bước đầu.

Nguồn: BBC