Một hãng tư vấn rủi ro xếp Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam nằm trong số các nước nhiều rủi ro chính trị nhất trong 15 nền kinh tế được khảo sát.
Phân tích cho thấy rủi ro chính trị giảm đi tại các nền kinh tế đang lên nói chung sau những diễn biến tại Bắc phi và Trung Đông hồi năm ngoái.
Tuy nhiên rủi ro ngắn hạn tăng đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, trong khi Ả-rập Saudi bị nêu tên là nước duy nhất có rủi ro chính trị dài hạn đáng kể.
Đó là “tầng lớp thanh niên có học vấn và bị bất mãn đã tìm được nguồn cảm hứng từ những thành công của Mùa xuân Ả Rập, rồi vấn đề về nước và an ninh năng lượng, và các vấn đề chung liên quan tới đàn áp và thiếu tự do chính trị.”
Các vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ được xem là liên quan tới rủi ro ngắn hạn về môi trường luật lệ và pháp lý.
15 nền kinh tế được Maplecroft khảo sát gồm Brazil, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Mexico, Mông Cổ, Nigeria, Pakistan, Peru, Nga, Ả-rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Lạm phát và đình công
Trung bình mỗi tuần có 16 cuộc đình công tại Việt Nam trong năm 2011.
Trong khi đó phân tích nói rằng Việt Nam hứng chịu nạn đình công và bất mãn ra tăng mạnh do chịu mức lạm phát cao nhất trong khu vực.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vào tháng Một năm nay nói “Trong năm 2011, trung bình một tuần có 16 cuộc đình công. Đây là con số đáng lo, nếu còn tăng nữa như đà các năm qua thì rất đáng ngại”.
Tổng cộng trên cả nước xảy ra 857 cuộc đình công trong 11 tháng đầu năm 2011, tăng gấp đôi so với năm 2010.
Nguyên nhân chính gây tăng số cuộc đình công được cho là do lạm phát bình quân cả năm là 18.58% trong năm ngoái.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một trong các nhân vật có tiếng nói phản biện được dư luận chú ý nhiều cũng cảnh báo về điều ông mô tả là “những bất ổn xã hội không thể kiểm soát được từ hệ quả của thực trạng bất ổn kinh tế và lạm phát cao”.
Trở lại khảo sát liên quan tới nước có nhiều rủi ro nhất là Ả rập Saudi, bản báo cáo nhận định chế độ quân chủ Ả rập Saudi đã tránh được tình cảnh xảy ra với giới nhà lãnh đạo ở Tunisia, Ai Cập và Libya, vốn bị bị lật đổ vào năm ngoái sau các các cuộc nổi dậy do giới thanh niên đi đầu.
Vua Abdullah đã công bố một gói hỗ trợ kinh tế 130 tỷ USD tập trung vào chi tiêu chính phủ cho các dự án xã hội và nhà ở trong nỗ lực để tránh xảy ra tình trạng bất ổn xã hội.
Ả-rập Saudi là thành viên của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC, cung cấp 40% dầu thô của thế giới.
Nguồn: BBC.